Những phương pháp giúp gia tăng sự tập trung của trẻ khi học tập
- 30/08/2024
Trẻ nhỏ rất dễ mất tập trung khi học vì các con thường chỉ tập trung với những gì bản thân hứng thú và quan tâm. Cũng bởi vì các con chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học, mà vẫn muốn vui chơi nghịch ngợm nhiều hơn. Nếu không điều chỉnh kịp thời tình trạng này thì khi trưởng thành các con rất dễ hình thành thói quen dễ chán nản, không kiên trì, muốn bỏ cuộc trong mọi tình huống. Do đó, bố mẹ cần giáo dục con đúng cách nhằm tăng khả năng tập trung cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ đang mất tập trung
Việc trẻ có tập trung học hay không sẽ rất dễ nhận thấy, chỉ cần ba mẹ để ý đến thói quen hằng ngày của con là có thể nhìn ra con có đang tập trung hay không. Bên cạnh đó, một vài biểu hiện nhỏ sau đây cũng thể hiện sự thiếu tập trung ở con, ba mẹ có thể lưu ý để kịp thời sửa đổi cho con dễ hơn:
Trẻ khi đi học ở trường hoặc ở nhà nếu không tập trung thường có biểu hiện không ngồi yên một chỗ, dễ bị phân tâm bởi những tác động nhỏ của môi trường xung quanh.
Thường xuyên làm mất đồ và có biểu hiện không thể sắp xếp được mọi việc của bản thân, hay cáu gắt hoặc buồn rầu
Cuộc sống hằng ngày gặp khó khăn trong học tập và ghi nhớ, thường hay mơ màng và không tập trung
Chữ viết xấu và cẩu thả hơn hẳn so với những đứa trẻ cùng trang lứa
Các kỹ năng vận động như hoạt động chạy, nhảy, các môn thể thao cần sự nhanh nhẹn, nhạy bén bị kém và có xu hướng không muốn vận động.
Nguyên nhân dẫn đến mất tập trung ở trẻ
Trẻ em cần ngủ đủ 8- 10h mỗi ngày để trí não và cơ thể phát triển đầy đủ một cách trọn vẹn và tự nhiên. Nếu trẻ có thói quen ngủ muộn sẽ gây nên tình trạng thiếu ngủ, hoặc nếu giấc ngủ của trẻ có tình trạng không đồng nhất, hôm ngủ sớm, hôm ngủ muộn, hôm ngủ đủ giờ, hôm lại ngủ quá nhiều… thì ba mẹ cần phải xem lại thói quen sinh hoạt này và thay đổi lại ngay cho con mình.
Giữ cho trẻ luôn ở tình trạng được vui vẻ, đầu óc thư giãn và không ép buộc con quá nhiều. Có nhiều ba mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng vào con nên sẽ ép trẻ phải học tập rất nhiều. Điều này vô hình đã tạo lên áp lực rất lớn cho các con, khiến các con dễ sinh ra tâm lý chán nản và phản kháng. Vậy nên hãy cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi thư giãn, vui chơi giải trí cho các con.
Ngoài ra thì chế độ ăn uống và cân bằng dinh dưỡng cũng rất cần thiết, việc ăn đủ và vừa phải những nhóm chất cần thiết có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy quá trình phát triển của cơ thể cũng như trí óc. Vậy nên ba mẹ cần đặc biệt quan tâm đến điểm này, không nên bổ sung quá nhiều một nhóm chất mà quên mất những nhóm chất khác.
Trứng, bánh mì nguyên cám, sữa, thịt gà, thịt heo, cá hồi là những món ăn đã được kiểm nghiệm và đánh giá là rất tốt cho trẻ nhỏ. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các thức uống chứa caffein, nước uống tăng lực, nước có gas…
Từ những điều trên, chúng ta có thể thấy, phương pháp tốt nhất để tăng khả năng tập trung của trẻ là thư giãn, chế độ ăn cân bằng và ngủ đủ giấc
Có những phương pháp nào để tăng sự hứng thú và tập trung cho trẻ khi học tập?
Cho trẻ chơi những trò chơi kích thích trí não và sự tập trung
Sẽ rất khó để trẻ làm nhiều việc cùng lúc, vì vậy ba mẹ cần lên một kế hoạch rõ ràng và đồng hành cùng trẻ trong quá trình rèn luyện tính tập trung. Ba mẹ có thể cho các con chơi những đồ chơi có tính logic để thúc đẩy trí não cũng như tính tập trung cho con như:
Trò chơi ghép hình: lego, rubik
Ghi nhớ các chi tiết trong hình
Tìm đồ vật trong hình
Tìm điểm khác biệt trong hình….
Ba mẹ cũng cần lưu ý, hạn chế để con tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính….. .trẻ con rất thích và dễ bị hấp dẫn bởi những trò chơi trên mạng, nếu để trẻ tiếp xúc với những thiết bị này từ sớm sẽ khiến trẻ bị thu hút, thậm chí là “nghiện” những thứ đồ này, từ đó trẻ sẽ dần ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên và những thứ bên ngoài, tính cách sẽ trở nên ít nói và lầm lì hơn.
Giúp trẻ phân chia lại công việc và kế hoạch trong một ngày
Để tăng cường sự tập trung cho trẻ, ba mẹ nên hướng dẫn con chia nhỏ những việc lớn ra thành những nhiệm vụ nhỏ hơn để dễ quản lý và giải quyết vấn đề. Chia nhỏ công việc sẽ giúp trẻ không bị hoang mang, không biết nên làm gì trước làm gì sau, nếu cứ để một đống các công việc lớn như vậy cho trẻ sẽ gây cho trẻ sự chán nản, và dễ bỏ cuộc.
Phương pháp này không chỉ giúp trẻ rèn luyện được tính tập trung mà còn giúp các con trau dồi kỹ năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Hiệu quả công việc thường đạt được cao nhất khi tuân theo lịch trình đã được vạch sẵn. Thói quen tạo lập và tuân theo kế hoạch là một kỹ năng mềm quan trọng giúp con người tập trung tốt hơn, quản lý thời gian hiệu quả.Việc lập kế hoạch gần giống với việc tạo một danh sách mục tiêu trước giờ học, nhưng ở chế độ mở rộng hơn, có thể là kế hoạch cho 1 ngày, 1 tuần hay 1 tháng. Ba mẹ hãy giúp trẻ tạo lịch trình cá nhân theo từng ngày, bao gồm thời gian chơi, thời gian học tập hoặc các công việc khác. Sau đó để tạo thành thói quen cần quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình đó.
Ngoài ra ba mẹ cũng nên khen ngợi và khích lệ mỗi khi trẻ làm xong một công việc hoặc nhiệm vụ nào. Không cần thiết phải là những món quà, mà chỉ cần một lời khen ngợi để khích lệ tinh thần cho con thôi. Chắc chắn khi nhận được những lời khen ngợi và khích lệ này, trẻ sẽ rất vui vẻ và có hứng khởi để giải quyết những công việc còn lại của mình.
Xác định cho trẻ mục tiêu cần làm
Có rất nhiều trẻ em không thiếu sự tập trung mà là do các em thực sự không biết phải tập trung vào điều gì. Do vậy trước khi học bài hay bắt đầu một buổi học, ba mẹ nên giúp các con tạo ra một danh sách mục tiêu cần làm, từ đó trẻ sẽ biết nên tập trung là những gì.
Ban đầu trẻ có thể sẽ phụ thuộc vào những gì mà ba mẹ đưa ra, nhưng khi rèn luyện thành thói quen và dần hình thành nhận thức của bản thân thì lúc đó trẻ sẽ tự mình biết mình cần phải tập trung làm điều gì, và điều gì cần hoàn thành trước, điều gì có thể hoàn thành sau. Và mỗi khi trẻ hoàn thành được một mục tiêu thì hãy để con được nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc trước khi thực hiện một công việc khác
Ví dụ như: Khi trẻ làm bài tập về nhà thì mục tiêu đặt ra là phải làm hết các bài tập được thầy cô giao, ghi nhớ các kiến thức đã được học, phần nào chưa rõ thì cần phải xem lại hoặc ghi chép lại để nhờ ba mẹ hoặc thầy cô giảng lại….. Dần dần trẻ sẽ biết mình cần phải làm những gì trong khoảng thời gian học tập tại nhà
Tạo môi trường học tập phù hợp cho trẻ ngay tại nhà
Ba mẹ cần tạo cho trẻ một môi trường học tập nghiêm túc ngay tại nhà. Tạo không gian học tập thoáng đãng, ngăn nắp và hạn chế nhiều nhất có thể tiếng ồn xung quanh. Bàn học cần hướng về ánh sáng tự nhiên giúp kích thích khả năng tư duy, trên bàn học cũng chỉ đặt đồ dùng học tập cùng sách vở cần thiết để tránh việc xao nhãng.
Ba mẹ có thể áp dụng thử cho trẻ phương pháp học bằng âm thanh đó là cho trẻ đọc to khi học bài, những bài học dưới dạng âm thanh sẽ khiến trẻ thích thú hơn. Tuy nhiên thì phương pháp này chỉ phù hợp cho trẻ học tiểu học, còn khi lớn hơn thì trẻ cần áp dụng những phương pháp học khác để có thể tư duy và ghi nhớ tốt nhơn
Tăng cường rèn luyện thể chất cho trẻ
Các hoạt động thể chất được chứng minh làm tăng khả năng tập trung của trẻ, giúp trẻ hình thành khả năng loại trừ phiền nhiễu, tăng sự tập trung và theo đuổi mục tiêu cố định. Các hoạt động thể chất được đưa vào các giữa giờ sẽ cải thiện hành vi, tăng hiệu suất học tập. Một số ý tưởng phụ huynh có thể cân nhắc cho trẻ học nhảy, múa, võ thuật, cầu lông, bóng bàn, bóng đá, bóng rổ.
Để trẻ có thể tập trung học tập không phải là điều dễ dàng, điều này cần đến sự phối hợp của gia đình, nhà trường và chính bản thân các con. Tuy nhiên thì ba mẹ chính là những người quan trọng nhất giúp trẻ hình thành được những thói quen tốt cho bản thân, và duy trì nó cho cả quãng đời sau này. Sự tập trung cũng là một kỹ năng sống quan trọng mà ba mẹ cần dạy cho con ngay từ khi còn nhỏ. Hy vọng với những phương pháp nêu trên sẽ phần nào giúp được nhiều ba mẹ cải thiện sự tập trung cho con em mình.